5 nguyên tắc để cải thiện và phát triển sức khỏe tinh thần cho trẻ
Lượt xem: 590

Một nền tảng sức khỏe tinh thần tốt là yếu tố quan trọng trong suốt hành trình phát triển của trẻ, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và cả hạnh phúc sau này. Nền tảng ấy được bồi đắp từ những năm đầu đời bởi ba mẹ, người thân và môi trường quanh trẻ. 

IGC Group chia sẻ đến ba mẹ 5 nguyên tắc để chăm sóc, cải thiện và phát triển sức khỏe tinh thần cho con, giúp con luôn khỏe mạnh về tâm – trí – lực và trưởng thành hạnh phúc. IGC hy vọng ba mẹ tiếp tục đồng hành cùng IGC Group trong các chủ đề tiếp theo của nội dung Bảo vệ trẻ em. 

1. XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ TÍCH CỰC XUNG QUANH TRẺ 

 Những mối quan hệ tích cực quanh trẻ đến từ ba mẹ, người thân, bạn bè, thầy cô,… Khi con cảm thấy thân thiết, được yêu thương và an toàn khi tương tác với mọi người, con sẽ thêm tự tin và có được nền tảng sức khỏe tinh thần vững chắc. 

Ba mẹ có thể đồng hành cùng con bằng cách dành nhiều thời gian bên con, khen ngợi tích cực; khuyến khích con chia sẻ, hợp tác, kết nối với những người xung quanh; động viên con tham gia các hoạt động cộng đồng phù hợp với từng độ tuổi,…  

2. QUẢN LÝ AN TOÀN TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG 

 Việc quản lý gay gắt hoặc lơ là khi con sử dụng mạng Internet đều không phù hợp. Ba mẹ có thể đồng hành cùng con để giữ con an toàn trên không gian mạng bằng cách: 

- Hướng dẫn con sử dụng các ứng dụng, trang web phù hợp cho việc học online và giải trí 
- Trò chuyện và nhắc nhở con về những nội dung không phù hợp  
- Có những quy định cụ thể về thời gian con sử dụng điện thoại, máy tính,… 
- Để ý đến những dấu hiệu bất ổn về tâm lý và hành vi của con để bảo vệ con kịp thời 

Ba mẹ có thể đọc thêm chủ đề về “Bắt nạt trực tuyến” mà IGC đã từng giới thiệu tại: facebook.com/igc.edu.vn/posts/5321562787903325 

3. DẠY TRẺ KỸ NĂNG QUẢN LÝ CẢM XÚC VÀ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ 

 Kỹ năng quản trị cảm xúc và hành vi mang lại lợi ích lâu dài cả khi con trưởng thành. Khi con có thể bình tĩnh và đưa ra cách giải quyết trong những tình huống kém tích cực, con sẽ cảm thấy tự tin và vững vàng hơn trên hành trình của mình. 

Kỹ năng Quản lý cảm xúc 

Ba mẹ có thể giúp con nhận biết và gọi tên cảm xúc của mình, dạy con hiểu những cảm xúc ấy là điều tự nhiên. Khi con lớn hơn, ba mẹ nên tâm sự về những sự thay đổi trong thể chất và tâm lý ở tuổi dậy thì để con biết và hiểu rằng đó là điều bình thường.  

Ba mẹ cũng cần trở thành hình mẫu tích cực cho con thông qua việc quản trị cảm xúc của chính mình. Đồng thời, ba mẹ cần hỗ trợ con khi con cảm thấy bất ổn để con cảm thấy an toàn. 

Ba mẹ đọc thêm về đề tài “Dạy trẻ làm chủ cảm xúc” mà IGC từng giới thiệu tại: facebook.com/igc.edu.vn/posts/5519218388137763 

Kỹ năng quản trị hành vi 

 Kỹ năng quản trị hành vi đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng sức khỏe tinh thần của trẻ. Ba mẹ có thể cùng con xây dựng các “quy tắc” trong gia đình để con hiểu rằng các hành vi sai sẽ có hậu quả (kỷ luật tích cực - không phải trừng phạt). Đặt các mục tiêu phù hợp với khả năng của con và khen ngợi đúng cách để con tự tin hơn. 

Khi con lớn dần, ba mẹ khuyến khích con tự đặt câu hỏi và tìm cách giải quyết vấn đề trước khi tìm sự trợ giúp. Đồng thời, các phụ huynh cần để con học cách chấp nhận những điều không như mong đợi và rút ra bài học cho bản thân. 

4. GIẢM CÁC NGUYÊN NHÂN TẠO NÊN SỰ CĂNG THẲNG 

Sự bất ổn của cha mẹ, áp lực học tập, bị bạn bè “nghỉ chơi” hay đơn giản là một bộ phim có nội dung bạo lực có thể gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý con. Việc phòng tránh hay giải quyết những tác nhân gây nên sự bất an là điều kiện để con lớn lên với cảm xúc và tâm lý lành mạnh nhất. 

5. DẠY TRẺ YÊU THƯƠNG BẢN THÂN VÀ NGƯỜI KHÁC 

 Khi con yêu thương và tin tưởng rằng bản thân xứng đáng với điều tốt đẹp, con sẽ có được sự lạc quan và quyết tâm khi đối mặt với các khó khăn sau này. Đồng thời, việc yêu thương và giúp đỡ mọi người giúp con cảm nhận về bản thân tích cực hơn. 

Ba mẹ có thể cùng con suy nghĩ và thực hiện những hành động khiến mọi người xung quanh cảm thấy được yêu thương như: lễ phép với người lớn, nhường nhịn em nhỏ, sẻ chia với bạn bè, giúp đỡ người khó khăn, hỏi han khi người khác đau ốm,… Khi con làm tốt, ba mẹ nên khen ngợi để con ghi nhớ và phát huy, tạo nên thói quen tốt trong con. 

 

Chia sẻ nhận xét về sản phẩm

Gửi nhận xét
GỬI ĐÁNH GIÁ CỦA BẠN
Đánh giá
Gửi