5 nguyên tắc áp dụng kỷ luật tích cực trong nuôi dạy trẻ
Lượt xem: 1020

Chắc hẳn nhiều phụ huynh đã từng chật vật để tìm ra cách đưa trẻ vào nền nếp một cách phù hợp. Thật khó để kiềm chế khi trẻ đang gào khóc, vòi vĩnh hay cáu giận, nhưng quát mắng và đòn roi đều không phải là giải pháp.  

Kỷ luật tích cực là một phương pháp để phụ huynh tiếp cận và đồng hành cùng con hiệu quả hơn. Phương pháp này giúp xây dựng mối quan hệ tích cực giữa ba mẹ và con, đồng thời dạy con ý thức trách nhiệm, tinh thần hợp tác và tính kỷ luật tự giác. Cùng IGC tìm hiểu 5 nguyên tắc để áp dụng phương pháp này trong nuôi dạy trẻ qua bài viết dưới đây. 

HIỂU Ý NGHĨA ĐẰNG SAU HÀNH VI CỦA TRẺ

Trước những hành động không đúng mực của trẻ, phụ huynh có thể tự hỏi liệu trẻ đang gây sự hay vì muốn thu hút sự chú ý? Có phải trẻ bực tức vì có những ức chế tâm lý không thể biểu đạt?… Việc hiểu ý nghĩa đằng sau hành vi giúp phụ huynh loại bỏ nguyên nhân và trẻ sẽ không còn động cơ làm như vậy nữa.  

NGĂN CHẶN HÀNH VI XẤU DÙ NHỎ CỦA TRẺ

Hành vi không tốt dù nhỏ nhặt sẽ không biến mất dễ dàng khi con lớn. Phụ huynh cần dập tắt những hành vi xấu ở trẻ khi chúng ở cấp độ nhỏ để giúp trẻ hiểu được hành động nào đúng, hành động nào sai và dần biết cách kiểm soát hành vi của mình. 

 

ĐẶT RA KỲ VỌNG RÕ RÀNG VÀ HỢP LÍ

Phụ huynh cần nói với trẻ chính xác những gì muốn trẻ làm thay vì bảo trẻ không được làm gì. Những yêu cầu rõ ràng như “con hãy nhặt đồ chơi và cất vào hộp nhé” thay vì “con đừng bày bừa” sẽ đặt ra kỳ vọng rõ ràng và tăng khả năng trẻ làm theo những gì được bảo. Ngoài ra, yêu cầu cần phải hợp lý với trẻ để trẻ có thể thực hiện theo. 

ĐÁNH LẠC HƯỚNG TRẺ MÈ NHEO BẰNG MỘT ĐIỀU TÍCH CỰC

Khi trẻ bắt đầu vòi vĩnh hay cáu giận, phụ huynh có thể đánh lạc hướng trẻ sang một điều gì đó khác, ví dụ như: thay đổi chủ đề, giới thiệu trò chơi, dẫn trẻ sang phòng khác hoặc đi dạo,… Điều này giúp phụ huynh chuyển hướng năng lượng của trẻ sang những hành vi tích cực hơn. 

CHO TRẺ THẤY HẬU QUẢ MỘT CÁCH BÌNH TĨNH

Trẻ cần học được rằng hành động sẽ dẫn đến hệ quả, từ đó có những hành vi tốt hơn và xây dựng tính trách nhiệm. Khi trẻ thực hiện hành vi không tốt, phụ huynh cần giải thích về hậu quả mà hành vi đó có thể gây ra (con sẽ làm mất sách nếu để lung tung, con sẽ không được chơi trong 2 ngày nếu không dừng lại,…). Nếu trẻ vẫn tiếp tục, phụ huynh cần cho trẻ thấy hậu quả một cách nghiêm túc và bình tĩnh.  

Với những chia sẻ trên, IGC Group mong rằng Quý Phụ huynh sẽ có các gợi ý để áp dụng kỷ luật tích cực trong nuôi dạy con yêu. Hy vọng phụ huynh tiếp tục đồng hành cùng IGC Group trong các chủ đề tiếp theo của nội dung Bảo vệ Trẻ em. 

Chia sẻ nhận xét về sản phẩm

Gửi nhận xét
GỬI ĐÁNH GIÁ CỦA BẠN
Đánh giá
Gửi